Lịch sử khí tượng Bão nhiệt đới Linda (1997)

Biểu đồ thể hiện đường đi của bão; những dấu chấm màu đại diện cho vị trí bão và cường độ của nó trong thời gian sáu tiếng.
Thang bão Saffir-Simpson
ATNĐBNĐC1C2C3C4C5

Nguồn gốc của bão Linda là từ một vùng mây đối lưu trên vùng biển phía Đông Philippines được chú ý đến lần đầu vào ngày 26 tháng 10 năm 1997. Khi đó, một áp cao cận nhiệt tồn tại ở phía Bắc đã buộc vùng nhiễu động di chuyển chủ yếu về phía Tây. Vào ngày 29 tháng 10, hệ thống đã vượt Philippines và tiến vào Biển Đông. Sau đó, vùng nhiễu động bắt đầu dần trở thành bão, và đến cuối ngày 31 Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC) đã ban hành những thông báo đầu tiên về áp thấp nhiệt đới 30W. Khi đó, hệ thống nằm cách Borneo về phía Tây Bắc,[2] và nó đã được Cục quản lý Thiên văn, Địa vật lý và Khí quyển Philippines (PAGASA) đặt tên là "Openg".[3]

Không lâu sau, áp thấp nhiệt đới đã nhanh chóng mạnh lên thành một cơn bão nhiệt đới và được JTWC đặt tên là "Linda". Di chuyển theo hướng Tây, cơn bão tiếp tục tăng cường, đạt đến vận tốc gió 65 dặm/giờ (100 km/giờ) khi nó tiếp cận miền Nam Việt Nam. Vào thời điểm 9:00 (UTC+0) ngày 2 tháng 11, Linda đổ bộ vào tỉnh Cà Mau. Cơn bão duy trì cường độ khi ở trên đất liền, rồi nhanh chóng đạt tới cấp độ bão cuồng phong khi tiến vào vịnh Thái Lan. Sau khi chuyển hướng Tây Bắc, Linda đã suy yếu lại thành bão nhiệt đới trước khi tấn công Thái Lan trong ngày 3 tháng 11 với sức gió 65 dặm/giờ (100 km/giờ).[2]

Linda tiếp tục suy yếu thêm khi ở trên địa hình núi của bán đảo Mã Lai, và cơn bão tiến vào biển Andaman khi vận tốc gió đã giảm xuống còn 50 dặm/giờ (85 km/giờ). Điều này giúp Linda trở thành xoáy thuận nhiệt đới đầu tiên đi vào Ấn Độ Dương từ Thái Bình Dương kể từ cơn bão Forrest năm 1992.[2] Lúc này, Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) phân loại Linda là bão xoáy (Cyclonic Storm) BOB 08 với vận tốc gió 40 dặm/giờ (70 km/giờ).[4] Nhờ nhiệt độ nước biển ấm, Linda dần tăng cường trở lại khi nó giảm tốc độ di chuyển do sự suy yếu của áp cao cận nhiệt. Vào ngày 6 tháng 11, cơn bão một lần nữa đạt cấp độ bão cuồng phong tại địa điểm ngoài khơi phía Tây Nam bờ biển Burma (Myanmar).[2] Linda chỉ duy trì được cường độ tối đa trong khoảng 18 tiếng, do độ đứt gió tăng lên từ rãnh thấp ở vĩ độ trung gần đó. Ban đầu, cơn bão được dự kiến sẽ vượt vịnh Bengal và đổ bộ vào khu vực gần biên giới Ấn Độ/Bangladesh.[5] Tuy nhiên, Linda đã trở nên ít di chuyển, và suy yếu dần trong vài ngày tiếp theo. Vào ngày 9 tháng 11, Linda tan biến trên khu vực cách Yangon, Burma khoảng 375 dặm (600 km) về phía Tây Nam.[2] IMD cũng đã chấm dứt ban hành những thông báo trong ngày hôm đó.[4]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bão nhiệt đới Linda (1997) http://www.wmo.ch/nino/WMO905-e.pdf http://news.google.com/newspapers?id=pdQtAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=pdQtAAAAIBAJ&... http://news.google.com/newspapers?id=q9QtAAAAIBAJ&... http://www.imd.gov.in/section/nhac/dynamic/bestpar... http://www.reliefweb.int/rw/rwb.nsf/db900sid/ACOS-... http://www.reliefweb.int/rw/rwb.nsf/db900sid/ACOS-... http://www.reliefweb.int/rw/rwb.nsf/db900sid/ACOS-... http://www.reliefweb.int/rw/rwb.nsf/db900sid/ACOS-... http://www.reliefweb.int/rw/rwb.nsf/db900sid/OCHA-...